Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng

2022-05-11 07:54:19   Bản in   Email   Lượt xem: 19

Tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật được xem là yêu cầu cấp thiết nhằm tái phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.


Tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng kỹ thuật được xem là yêu cầu cấp thiết nhằm tái phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, Bộ Xây dựng đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí, đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công.

 

Công trình đường tỉnh 922 đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Ảnh: ANH KHOA

 

Nhận diện thách thức

Những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chi phí và hợp đồng xây dựng trong các dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng, vào cuối năm 2017; tham mưu xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về xây dựng định mức, xác định giá xây dựng. Bộ đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng do Bộ công bố, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành suất vốn đầu tư cho 1km đường ô tô cao tốc. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành rà soát gần 13.500/17.700 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành đã công bố, loại bỏ 1.380 định mức, sửa đổi 8.226 định mức, giữ nguyên 3.811 định mức và dự kiến bổ sung 5.993 định mức. 61/63 địa phương trong cả nước đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; 63/63 tỉnh thành đã thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công trên địa bàn; 58/63 tỉnh thành đã ban hành giá ca máy.

 

Tại hội nghị "Trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giải pháp tháo gỡ", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, chia sẻ: Hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng, phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng và các định mức, suất vốn đầu tư được rà soát tổng thể, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới đã bám sát hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh. Ðồng thời, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công; góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực trong và ngoài nước thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến, liên tục biến động. Với các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư lớn, quản lý phức tạp như dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã xuất hiện nhiều bất cập, rất cần phương án tháo gỡ, giải quyết hiệu quả.

 

Theo ông Ðàm Ðức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), những khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng tập trung ở 3 nhóm vấn đề chính, gồm: khó khăn trong tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng  định mức; tổ chức xác định công bố giá xây dựng tại các địa phương; quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức, dự toán xây dựng công trình. Bên cạnh đó, việc giá vật liệu xây dựng tăng nhanh trong thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn, đảm bảo kế hoạch đầu tư cho từng dự án. Ðây là những thách thức cần tháo gỡ để thực hiện thành công chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước. 

 

Quyết liệt gỡ khó

Việc điều chỉnh định mức, giá xây dựng, chỉ số giá vật liệu xây dựng, hợp đồng xây dựng… được nhiều địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công… đề xuất, kiến nghị. Theo đó, việc công bố giá vật liệu vật tư xây dựng ở địa phương phải theo hướng dẫn chung của Bộ Xây dựng, bám sát diễn biến thị trường, phải phù hợp định kỳ, ổn định… Riêng đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn cần có những giải pháp tháo gỡ mang tính đặc thù.

 

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 64km, diện tích đất thu hồi khoảng trên 400ha. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa, tỉnh xác định công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. Từng gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam có cơ cấu chuyển động khác nhau tùy thuộc vào vận tốc thiết kế nên kiến nghị giao cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xác định giá vật liệu xây dựng cho các gói thầu của dự án là hợp lý. Ðây cũng là dự án sử dụng nguồn vật liệu rất lớn, phần lớn không có sẵn tại địa phương mà lấy từ nhiều vùng, vận chuyển qua nhiều tỉnh. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương không thể nắm chính xác, chi tiết dự án cụ thể cũng như tình hình ngoài tỉnh để có thể xác định giá vật liệu xây dựng cho công trình và chỉ số giá xây dựng công trình cho phù hợp với đặc thù của dự án. Ðịa phương cũng không thể sử dụng chi phí tư vấn từ dự án để thuê tư vấn thực hiện công tác xác định giá vật liệu đến chân công trình cũng như là chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu của dự án thành phần. Ðối với khó khăn, vướng mắc trong vấn đề công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng từng gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh đề xuất Bộ Xây dựng, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để trình Chính phủ giao nhiệm vụ này cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, khẳng định: Do ảnh hưởng của đại dịch và các khó khăn của nền kinh tế, ngành Xây dựng gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Bộ chia sẻ với các chủ thể, đơn vị có liên quan trong ngành, đơn vị tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư... Các đơn vị thuộc Bộ rà soát các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan đến định mức, giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng, hợp đồng xây dựng… để hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp theo đúng quy định của pháp luật. Các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội, Bộ sẽ chủ động phối hợp rà soát, đánh giá các bất cập để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp quy định và thực tiễn. Các đơn vị chuyên môn của Bộ tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các vấn đề thuộc thẩm quyền và sẽ lập đoàn kiểm tra đánh giá các địa phương về công bố giá nguyên liệu, áp dụng chỉ số giá xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng... đảm bảo tính hợp lý, công bằng, khả thi, phù hợp thực tiễn, đảm bảo hiệu quả đẩu tư, chống thất thoát, lãng phí cho ngân sách hoặc tình trạng trục lợi chính sách.